Doanh nghiệp nội địa mượn máy móc, thiết bị của doanh nghiệp chế xuất

Thủ tục hải quan, Thuế nhập khẩu và Thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp nội địa mượn máy móc, thiết bị của doanh nghiệp chế xuất.

1, Về thủ tục hải quan

Căn cứ pháp lý:

Căn cứ khoản 1 Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định:“Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam”

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định:“Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu“.

Căn cứ khoản 1 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định:“Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu”.

Kết luận:

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp chế xuất cho doanh nghiệp nội địa mượn máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất thì doanh nghiệp chế xuất mở tờ khai tạm xuất, doanh nghiệp nội địa mở tờ khai tạm nhập; sau khi kết thúc hợp đồng mượn, doanh nghiệp nội địa thực hiện thủ tục tái xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện thủ tục tái nhập lại số máy móc, thiết bị đã cho mượn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu này.

2, Thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi mượn

Căn cứ pháp lý:

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định:“Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Căn cứ điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định:“Máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cu, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuấtđể thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất” được miễn thuế nhập khẩu.

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hoàn thuế đối với trường hợp:“Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khỉ tái xuất ra nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan”.

Căn cứ khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi mượn”.

Kết luận:

Căn cứ quy định nêu trên trường hợp doanh nghiệp nội địa mượn máy móc, thiết bị của doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp nội địa không được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH12, doanh nghiệp nội địa phải kê khai nộp thuế nhập khẩu khi tạm nhập và không thuộc các trường hợp được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp khi tái xuất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 do là trường hợp đi mượn. Trị giá tính thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi mượn thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3, Thuế GTGT đối với hàng hóa đi mượn

Căn cứ pháp lý:

Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định:“…hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu… ” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Kết luận:

Căn cứ quy định nêu trên, đối với số máy móc và thiết bị của doanh nghiệp nội địa đi mượn của doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp nội địa đã đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Trường hợp đã hết thời hạn cho mượn nhưng doanh nghiệp nội địa tiếp tục sử dụng, không tái xuất thì ngay sau khi hết thời hạn mượn doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT cùng với thuế nhập khẩu trên tờ khai hải quan mới theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ.

Trường hợp trong quá trình sử dụng máy móc, lõi khuôn, JIG và thiết bị bị hư hỏng không thể tái xuất, buộc phải tiêu hủy và đã thực hiện thủ tục tiêu hủy theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp nội địa không phải kê khai nộp thuế GTGT đối với số máy móc và thiết bị này.

 

Biên soạn: Dương Minh Văn – Chuyên viên tư vấn

Bản tin chỉ mang tính chất tham khảo, để biết thêm thông tin cụ thể xin vui lòng liên hệ:
LT GROUP
Tầng 10, tòa nhà Việt Á, số 9, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội
Email: huythanhle.vn@gmail.com
Website: https://auditingcompanyservices.com/
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100050622464075
Hotline tư vấn: 0976.960.808

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *