CHI PHÍ CỬ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC TRỪ, HÓA ĐƠN ĐẦU VÀO NƯỚC NGOÀI XUẤT THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ, HỢP LỆ KHI TÍNH THUẾ TNDN.

Với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), việc cử người lao động đi công tác tại nước ngoài nhằm đảm bảo hoàn thiện công việc đảm bảo yêu cầu kinh doanh của công ty. Trong nhiều trường hợp phát sinh các chi phí với hóa đơn đầu vào nước ngoài dẫn đến việc xác định chi phí tính thuế TNDN có nhiều rủi ro. Bài viết đưa ra một số quan điểm về: “CHI PHÍ CỬ NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC TRỪ, HÓA ĐƠN ĐẦU VÀO NƯỚC NGOÀI XUẤT THẾ NÀO LÀ HỢP LÝ, HỢP LỆ KHI TÍNH THUẾ TNDN?”

I. Căn cứ pháp lý

Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định về điều kiện xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1.Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.

Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ”

Khoản 4 điều 5 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của luật quản lý thuế; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế và nghị định số 83/2013/nđ-cp ngày 22/7/2013 của chính phủ ban hành ngày ngày 06 tháng 11 năm 2013 quy định về văn bản giao dịch với cơ quan thuế:

“4. Ngôn ngữ được sử dụng trong hồ sơ thuế là tiếng Việt. Tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Người nộp thuế ký tên, đóng dấu trên bản dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch. Trường hợp tài liệu bằng tiếng nước ngoài có tổng độ dài hơn 20 trang giấy A4 thì người nộp thuế có văn bản giải trình và đề nghị chỉ cần dịch những nội dung, điều khoản có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế.

Đối với hồ sơ Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì tuỳ vào tính chất của từng loại hợp đồng và yêu cầu của cơ quan thuế (nếu có), người nộp thuế cần dịch những nội dung trong hợp đồng như: tên hợp đồng, tên các điều khoản trong hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng hoặc thời gian thực tế chuyên gia của nhà thầu nước ngoài hiện diện tại Việt Nam (nếu có), trách nhiệm, cam kết của mỗi bên; các quy định về bảo mật và quyền sở hữu sản phẩm (nếu có), đối tượng có thẩm quyền ký kết hợp đồng, các nội dung có liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế và các nội dung tương tự (nếu có); đồng thời gửi kèm theo bản chụp hợp đồng có xác nhận của người nộp thuế.

Việc hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp chỉ bắt buộc trong trường hợp cụ thể hướng dẫn tại Điều 16, Điều 20, Điều 44, Điều 54 Thông tư này.

II. Kết luận

Như vậy, chi phí công tác nước ngoài phục vụ cho sản xuất, kinh doanh được coi là chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế TNDN nếu:

– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

– Có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, Đối với các chi phí phát sinh tại nước ngoài thì các hóa đơn chứng từ của các khoản chi phí này phải phù hợp với quy định của nước sở tại và phải được dịch ra tiếng Việt theo hướng dẫn tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

– Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

– Có đầy đủ hồ sơ chứng minh người lao động thực tế công tác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh công ty như văn bản, quyết định cử đi công tác; giấy đi đường,..

– Thực hiện theo quy chế tài chính, quy chế nội bộ,… tại công ty.

 

Tham khảo công văn số 70613/CT-TTHT ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Cục thuế Thành phố Hà Nội.

Biên soạn: Phùng Thu Hiền – tư vấn viên

Bản tin chỉ mang tính chất tham khảo, để biết thêm thông tin cụ thể xin vui lòng liên hệ:

Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn VSA

Tầng 14, tòa nhà Việt Á, số 9, phố Duy Tân, Phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: huythanhle.vn@gmail.com

Website: https://auditingcompanyservices.com/

Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100050622464075

Hotline tư vấn: 0976.960.808

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *